Friday, September 30, 2016

GIAO TIẾP ĐẸP !!


Văn hóa ứng xử vẫn luôn là một nét đẹp trong cách sống của mỗi người. Mỗi người sinh ra đều mang cho mình một giọng nói, một tính cách để quyết định một phần trong tính cách giao tiếp của cuộc sống. Trong các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng họ luôn đặt ra phương châm khách hàng là thượng đế, mọi quyền lợi của khách hàng đều được giải đáp. Khi bước chân vào một khu nghĩ dưỡng cao cấp, nhân viên khách sạn thấy những người ăn mặc sang trọng thì họ luôn niềm nở chào đón một cách nồng nhiệt. Họ gật đầu, cười cười tay bắt mặt mừng như bạn bè thân thiết lâu ngày được gặp gỡ. Họ luôn tỏ ra thân thiện với khách hàng vì không những giao tiếp thân thiện sẽ đem lại bộ mặt ưu việt cho công ty. Theo họ, như vậy là một nét ứng xử, giao tiếp đẹp.

Trong một chuyến đi thực tế, chúng tôi là dân văn học, âm nhạc và hội họa. Những con người mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ nên nhìn cách ăn mặc của chúng tôi có thể là những lão nông tri điền, những cô thiếu nữ miền quê chân chất bụi trần, những chàng trai mộc mạc, giản dị hay là những cô cậu học sinh mặt còn non chẹt.  Khi bước chân vào một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh nhà, ngỡ rằng trong mong ước của những tâm hồn nghệ sĩ này sẽ được đón tiếp, được quan tâm, được giới thiệu hay là những cử chỉ, mặt mừng mà chúng tôi mong đợi trong một cuộc đi xa. Nhưng rồi bao ước vọng dường như vỡ tan. Chúng tôi đang lơ ngơ, lóng ngóng chụp hình, chờ đợi nhân viên vào báo với quản lí. Khi bước vào một nơi sang trọng, tôi cảm nhận thấy một màu sắc mới, một hương vị mới giữa nơi này. Những cảm xúc lạ lẫm khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây.Rồi chúng tôi vẫn thong thả đi dạo và ngắm bãi cỏ của sân gold nơi nhiều người muốn được ngắm nghía, thưởng ngoạn. Và rồi mọi việc như vỡ lẽ, một ánh mắt khác lạ, một giọng nói quay quắt đứng trước mặt chúng tôi mà quát to: “Ai muốn phỏng vấn thì mời lên tầng trên, còn không thì mời ra cho, không được tụ tập đông đúc”. Có phải chăng vì đoàn thực tế chúng tôi ăn mặc giống bác nông dân hai lúa mới lên, đầu còn đội chiếc mũ cũ cà tàn đã theo ngòi bút văn học qua bao năm tháng mà bị người ta coi rẽ chăng? Phải chăng ánh mắt, giọng nói đay nghiến như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt chúng tôi “hãy bước ra khỏi nơi này”. Chúng tôi cũng không nói gì. Cả đoàn người im lặng vì dường như nơi đây không dành cho chúng tôi. Ngay cả lão nông tri điền Lê Hoài Lương cũng lẳng lặng đi ra. Một sự im lặng để quản lí khu du lịch này nhận ra được điều gì trong nét ứng xử được cho là nét đẹp, là thương hiệu mà khu du lịch đặt lên hàng đầu. Chỉ một câu nói thôi cũng để thấy được nét văn hóa đẹp có nằm trong mỗi người hay không.

Và rồi cũng buổi chiều hôm ấy, trên hành trình khám phá những miền đất mới. Khi đi qua những con đường quanh co, phức tạp giữa chặng đường dài nơi con đường màu nắng không bóng người. Bước chân của bà cụ già vẫn rong rủi từng bước trên quãng đường dài để được về đến nhà. Bà dừng chân dưới bóng cây ven đường rồi tiếp tục đi, đi trên con đường mòn dài phẳng lặng. Một cô bé áo trắng, mang khăn quàng đỏ, đầu đội mũ ca lô đang cố gắng đạp xe đạp từng bước thấp bước cao qua dốc đường quanh co, uốn lượn. Cô dừng xe bên bà cụ với một giọng nói ân cần: “Bà có mệt không, bà ngồi lên xe cháu đèo bà về nhé”. Bà cụ xoa đầu đứa cháu nhỏ “Cháu có chở nổi bà không?”. Rồi hai bà cháu tiếp tục với con đường dài phía trước của một bức tranh tuyệt đẹp giữa một bên là núi, một bên là biển. Ở giữa là con đường dài với cát trắng phẳng lì. Một cháu bé chở một bà cụ đi về con đường mòn phía trước. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ cũng đủ để thấy hết vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của mỗi người.

Và rồi văn hóa ứng xử vẫn đang là một thương hiệu để mọi người hướng đến. Hãy sống và học hỏi thật nhiều khi bước chân vào con đường đầy gai. Hãy điềm đạm và suy nghĩ trước mọi lời nói.
LÊ THỊ CẨM TÚ
Châu Trúc

0 nhận xét:

Post a Comment