Tác Giả: Tú Lê
Nắng bất chợt xuyên qua hàng cây, kẽ lá. Nội tôi vẫn ngồi trên chiếc võng tre cọt kẹt dưới gốc mận của ngày hè. Ngày còn khỏe mạnh, nội hay ngồi dưới gốc mận chẻ từng nan tre, vót từng nuột lạt, chuốt từng sợi cước để chuẩn bị đang từng cái rổ, cái vợt bán cho người ta. Ngày đó trưa nào tôi cũng thấy nội ngồi trên chiếc võng cặm cụi với đống tre trước nhà. Tôi hỏi: “Sao trưa nắng mà nội không ngủ?” Nội cười và bảo: “Nội phải đan rổ, đan vợt kiếm tiền cho cháu mua kẹo chứ?” Miệng nội nói nhưng mắt và đôi tay nội vẫn làm. Ngày hè ở quê tôi, trời nắng như đổ lửa; bầu trời trong vắt, bồng bềnh những đám mây trôi đang lượn vòng với gió. Tôi vẫn thường hay nghe mọi người bảo nhau: “Trời này người còn héo, nói gì cây cỏ”. Thật vậy, trời vừa nắng, vừa nóng lại vừa hanh hanh oi bức, mang lại cảm giác khó chịu buồn bực.
Ngày đó nội tôi mới sáu mươi, sống cùng với chú Út nhưng nội vẫn có cái nghề kiếm sống riêng là đan vợt cho các bà bán bún; đan rổ, đan thúng cho các bà đi chợ bán cá, bán tôm. Vì vậy mà cũng có đồng ra, đồng vô. Ngày nào tôi cũng thấy nội làm việc, ít khi thấy nội ngủ trưa. Tôi hay phụ nội xếp nuột lạt và đôi lúc còn vót được các rẻ tre làm cật. Cứ thế mùa hè của tôi lặng lẽ trôi qua với nan tre, nuột lạt. Những ngày nội bán rổ cho người ta, có tiền, nội hay cho tiền ăn sáng, tiền mua quà vặt. Những lúc nhổ tóc bạc, nhổ râu hay nặn những cái mụn cho nội, nội hay cho tiền. Thấy thế tôi lấy làm thích. Hình như trong cái tuổi mới lớn, còn non nớt và khờ dại được ai cho tiền hay tặng quà thì đó được xem như là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Bây giờ thời gian trôi qua, tôi trở lại thăm nội; Nội vẫn ngồi dưới gốc mận trên chiếc võng kêu cọt kẹt dưới cái nắng trưa hè. Nhưng hình ảnh về một cụ già bên đống nan tre không còn nữa mà là hình ảnh của một ông cụ với chiếc gậy đang ngồi nhìn về phía trước như trông mong một điều gì đó. Mắt nội không nhìn thấy được gì, phía trước nội là một màn đen bao quanh, dày đặc; Mọi hoạt động chỉ nhờ vào chiếc gậy cùng vớ sự thân thuộc trong cuộc sống đã hình thành nên xúc cảm về sự quen trong cuộc đời nội những ngày “xế chiều”. Mỗi lần đi học xa về thăm nội, thấy nội vẫn ngồi đó, tiến lại gần trước mắt nội; nội ngồi yên lặng bỗng dưng bất giác lên tiếng: “Đứa nào đó? Con Tú có phải không?” Bỗng dưng lòng tôi lặng im, có một điều gì đó nhói lên từ trong trái tim khi nội vẫn nhắc tên tôi mỗi khi có bước chân lạ đến gần.Mẹ thường hay bảo: “Nội mong con về lắm đó!”. Rãnh rỗi nội hay chống gậy và bảo đứa cháu dắt sang bên nhà tôi hỏi: “Con bé Tú khi nào về? Tổ cha nó ở trỏng chi mà lâu dữ không về?”
Tôi thì bận bịu với việc học và đi làm thêm nên ít có thời gian về thăm nội. Ngoài thời gian học trên lớp tôi còn đi làm. Cuộc sống cứ thế trôi qua khiến tôi ít về nhà hơn. Có đôi lúc mấy tháng tôi mới về nhà một lần.
Cách vài ba ngày là ông lại chống gậy sang hỏi thăm, không thì nhờ đứa em con chú Út chạy qua nhà tôi hỏi xem tôi đã về chưa. Có hôm ông bảo ba tôi gọi điện thoại cho ông nói chuyện với tôi. Giọng ông vẫn to và dõng dạc như ngày nào. Ông sợ tôi không nghe rõ, càng nói to hơn: “Làm gì trong đó mà không về thăm nội gì hết? Chờ Ông chết rồi về luôn sao?” Nội chỉ hỏi thăm tôi vài câu rồi không nói nữa. Nghe giọng ông mà lòng chạnh buồn vì có lỗi với ông nhiều quá. Phải để ông trông mong từng ngày.
Tôi đứng trước mặt nội, lặng im nhìn tóc nội đã bạc tắng, khuôn mặt đã già đi nhiều theo nếp nhăn của thời gian. Cái nắng ngày hè vẫn vậy, vẫn ngọn gió nam mang theo hơi nóng của vị hè thổi vào lòng người như rát cả từng thớ thịt. Nhưng cuộc sống thì đã khác: Nội đã già và tôi giờ đã lớn, đã chững chạc hơn rất nhiều. Tôi vẫn im lặng, đi vòng ra phía sau nội, choàng tay ôm nội như thời còn bé. Nội vẫn hỏi: “Đứa nào đấy? Có phải con bé Tú đã về đó không?” Tôi òa lên khóc trong tiếng nấc “Nội ơi! Con nè…! Con Tú cháu của nội nè…!” Nội quơ tay sờ lên tóc tôi “Đúng thật là gái Tú rồi”. Nội cười rất tươi khi nhận ra được một điều quen thuộc của cuộc sống đã lấp đầy nỗi nhớ của ông bao ngày qua. Cuộc sống của các cụ là mong muốn con cháu mình trở về thăm, được ôm những cái ôm đầy vị ấm của tình thương. Một thứ tình cảm nồng nàn của hương vị nắng ẩn chứa chút “mát”của vị nồng trong những ngày hè. Rồi nội hỏi thăm cuộc sống ở Quy Thành của tôi ra sao, có tốt không, mọi chuyện như thế nào? Cứ thế cuộc trò chuyện của ông cháu đã hết một buổi chiều. Dù chiều tà đã buông xuống trước hiên nhà, bóng nhà đã ngả xuống sân nhưng dù vậy cuộc sống của nội giờ chỉ là màn đêm dày dặc, chỉ thấp thoáng vệt sáng từ trong trái tim của đầy ắp tình thương. Đối với nội, cuộc đời đã cho nội sống đến ngần này tuổi, được thấy con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc là nội cảm thấy vui rồi.
Ngày trước khi hoàng hôn lấp ló sau lũy tre làng, hai ông cháu cùng nhau ra giếng tắm. Ông xách nước xối cho cháu tắm. Cháu ôm ông đội nước chung. Ông kì đất cho tôi sau những giờ chơi đồ hàng, bán hàng xén với lũ bạn trong xóm. Còn giờ thì…khoảnh khắc ấy phút chốc không còn nữa. Tôi dắt tay ông ra giếng, xách những gàu nước đầy vị mát của ngày hè tắm cho ông. Ông bảo: “Nước vẫn mát như ngày nào cháu nhỉ?” Tôi thủ thỉ bên tai ông: “Nước quê mình mát thật”. Dòng nước quê tôi ngày hè vừa mát vừa trong, vẫn “dịu ngọt” như thuở ban đầu.
Ấy thế mà nhanh, ngày dài đã sắp hết. Cái nắng hạ của vị hè vẫn nóng đậm sắc màu như câu hát “Quê em hai mùa mưa nắng”. Cái nắng của mùa hạ vẫn đậm đà màu nắng miền Trung. Ngày trở lại thành phố tôi mang theo trong mình nỗi nhớ tình thương của ông cũng cái vị nắng đồng quê với cánh đồng mùa gặt. Một vị nắng thanh trong, vẫn e thẹn lấp mình sau kẽ lá.
0 nhận xét:
Post a Comment