Nguyễn Ngọc Tư.
Ngày dì Út Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một
lượt ba cái răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với sư Huệ bây giờ
không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc vầy… Bà sư
già nghe xong niệm Phật mà không nén được cười. Dì Út mượn gương, soi mình vào
đấy, thấy tóc bạc, mặt nhăn, kỳ lạ thay, dì thấy cả một nỗi buồn rất lạ thăm
thẳm trong lòng mình. Dì đứng đó một chút, rồi dì te tái cắp nón đi, hỏi đi
đâu, dì bảo ra vườn thuốc.
Nhà cậu Tư Nhớ cũng ở đó, xiêu xiêu giữa vườn thuốc Nam, quanh
năm nồng nàn hương hoa cỏ. Nhưng cậu không có nhà, cậu đang dự đám tang trên
Lung Dừa. Cậu ‘đuổi quỷ’ trong đội đạo tỳ của chữ thập đỏ xã. Gần mười lăm năm
cầm đuốc múa quanh quan tài đến chai tay, lửa phà nám mặt, mấy lần ngậm dầu
phun lửa bị sặc trối chết. Càng lớn tuổi cậu càng tưng tưng, ai cũng nói, ổng
bị sặc dầu quá trời đất như vậy mà không mát dây cũng uổng. Cậu nghèo, nhưng
đèo bòng nuôi một thằng nhỏ mồ côi cha mẹ. Bình thường thì thằng Lụm kêu bằng
tía, nhưng có lúc, kêu vậy, cậu la thấu trời, "Mầy làm như tao già lắm
vậy, kêu tao bằng anh đi, bằng thằng cũng được nữa". Một tháng ăn cơm nhà
chừng ba bữa, còn hai mươi bảy bữa cậu dọn vườn, chặt thuốc cho chùa nên được
đãi cơm chay, hết việc, cậu dắt thằng con lang thang làm mướn dài dài theo xóm,
ăn cơm ở đó luôn, đội đạo tỳ có việc thì hai cha con dùng cỗ đám tang, lắm lúc
cậu về nhà biểu thằng Lụm, "Đổ nước mắm vô kho quẹt ăn. Tao ngán thịt heo
thấu trời rồi".
Chỉ nhà dì Út Thu Lý là cậu không bao giờ lui tới. Hồi bà Hai,
má dì còn sống, ra đường chạm mặt, tránh không được, cậu mới mở miệng, giọng có
một chút hằn học, một chút chua xót, một chút mỉa mai : "thưa má !",
rồi cậu cun cút đi thẳng. Những chiều ngang qua nhà, thấy bà Hai bắc cái ghế
ngồi ngoài hàng ba là cậu cởi quần dài, tụt xuống mé kinh, lội qua khỏi đoạn đó
mới ngoi ngóp lên bờ. Đám trẻ trong nhà thấy cảnh đó cười ngắt nga ngắt ngẻo,
chỉ dì Sáu Thu Lý là chua xót ngẩn ngơ, người coi tưng tưng vậy mà giận dai ghê
hen. Rồi dì tự hỏi, nếu mình là anh ấy, thì mình có giận không ?
Giận. Bởi gió kia, mưa kia, những mái nhà chiều chiều khói tỏa
kia, người phụ nữ đang na cái bụng bầu lặc lìa qua ngõ kia, và những đứa trẻ
kia, cả thằng Lụm… hết thảy đều làm cho người đàn ông đó nhớ một mái ấm đã bị
tước đoạt của mình.
Bởi nếu con cậu còn sống, bây giờ chắc nó cao hơn thằng Lụm.
Những khi ngồi nhớ lại, cậu ứa nước mắt, ước gì mình được nhìn thấy nó một lần,
một lần thôi, sau này có sặc dầu hay chết hụt dưới mương, cậu có lẫn lộn việc
này việc khác, dứt khoát cậu sẽ không quên được hình bóng vợ con mình.
Nhưng cả mơ ước đó cũng bị má vợ cậu, bà Hai cướp đi mất. Khi dì
Ba Thu Lê để lòng thương cậu Tư Nhớ, roi đòn mấy cũng không cản được, bà đã
nghiến răng trèo trẹo khi nhắc tới cậu, "thằng ăn cướp". Sinh cả thảy
sáu người con, chỉ có hai đứa con gái, dì Út Thu Lý vụng về, đểnh đoảng, như
trẻ con, vui buồn ra mặt, bà Hai dồn hết tình thương cho con gái Thu Lê vén
khéo, nhu mì. Hồi đó, dì Ba mới hai mươi tuổi, trong lòng người mẹ, dì còn non
nớt, dại khờ. Ai mà ngờ một bữa dì bỏ bà đi… Nhà cậu Nhớ cách nhà bà một quãng
đường xóm, những bữa đi ngang qua nhà, bà Hai nghe giận nhói ngực khi thấy con
gái mình khép nép đi cạnh chồng, mắt ráo lơ, ngó vô nhà như thể nước lả người
dưng. Cái nhìn van lơn và hối lỗi của cậu Tư Nhớ nhỏ nhoi trước biển lửa giận
hờn trong trái tim người mẹ. Không bảo nhau nhưng cả hai người đều hy vọng, dù
lâu lâu lắm nhưng sẽ có một ngày bà tha thứ.
|
Chiều Vắng |
Hồi đó, gia tài của hai người chỉ có căn nhà dựng trong vườn
chùa với chiếc xuồng. Dì Ba hay cười, an ủi, "Anh buồn gì, xóm mình đâu
chỉ nhà mình nghèo…". Dì làm bánh bò, sáng sớm hai vợ chồng chèo dài theo
các xóm ven Đầm bán, buổi chiều họ xin rơm chở về gieo cải, trồng rau trên liếp
nhỏ kế bên nhà. Dạo đó, người ta dồn về nơi nầy để theo những con rạch ngoắt
ngoéo ra cửa sông Thầy Xúi vượt biển tìm đất hứa. Nhiều bữa thấy người ta lỡ
đường, vơ vất ngoài bờ bụi, khổ sở với bầy muỗi lá, cậu Tư cho quá giang, cho
ngủ lại, san sẻ ít chén cơm nguội. Cậu với dì không hỏi họ đi đâu, làm gì, hỏi
họ cũng không nói thiệt, chỉ nghĩ trong bụng, xứ sở mình đây mà hỏng ở, đi làm
chi cho cực thân vậy không biết. Cho tới một bữa, trên đường chở rơm về, cậu bị
công an xã bắt vì tội đưa người vượt biên. Cậu Tư Nhớ có kêu oan, nhưng các anh
công an cười, hỏi bà già vợ thưa mà còn oan ức gì ? Cậu nghẹn lời, vì ngỡ ngàng
và vì đau xót.
Lúc đó là tháng Năm, đôi vợ chồng trẻ đang nôn nao đếm ngược
từng ngày chờ đến sang Giêng sẽ đón trẻ con ra đời…
Bốn mươi ba ngày sau cậu Tư được minh oan. Lúc về thì cỏ đã mọc
xanh lối vào. Giồng cải bên nhà trổ bông, ngồng cao tới ngực. Lúc về, chuột cắn
rơm làm ổ trong cái cà ràng trên bếp. Lúc về, người cũ không còn ở chỗ cũ, nhà
lạnh ngắt, buồn xo. Cậu Tư Nhớ uất quá vác cây mác vót chạy tới nhà bà Hai đòi
người. Bà đứng chận ở cửa, mặt thản nhiên, lạnh tanh như đồng, bảo "Ở đây
không có gì liên quan tới cậu. Con tôi nó ra chợ ở rồi, còn con cậu hả ? Ra bãi
rác ngoài trạm xá xã mà kiếm".
Cậu Tư nhớ hoài, nhớ đời đời kiếp kiếp cái vẻ mặt chai đá của bà
Hai, cậu cười, sao con người đối với nhau có thể cạn ráo đến vậy.
Cho đến bây giờ dì Thu Lý vẫn còn nhớ giọng cười của cậu hôm ấy,
nó lạt nhách, không dư âm, như thể đá cười. Cho đến bây giờ, gặp dì, cậu vẫn
hay cười như thế, có lúc cậu còn làm ngơ không thèm nói chuyện. Nhưng dì không
giận, vì nghĩ nhà mình nợ anh ấy rất nhiều, cho tới khi má dì nằm xuống, món nợ
ấy vẫn còn nguyên.
Người ở xóm Rạch Ruộng ai cũng biết dì Út Thu Lý thương cậu Tư,
họ dạy con nít ngạo chơi "Trồng tre trở gốc lên trời. Con chị qua đời rồi
tới con em". Nghĩ cho nghiêm túc, hai người này cũng thật xứng đôi vừa
lứa. Ngày nào dì Út cũng đi làm công quả ở chùa Phấn, hốt thuốc tiếp sư cô, lúc
rảnh chạy qua nhà cậu Tư Nhớ quét cái nhà, lau bộ ván, cho chó, mèo ăn. Dì coi
nhà cậu như nhà mình, nên quen cái lối đi hẹp te giữa bộ ván ngựa cũ kỷ và
chiếc giường. Quen với căn bếp nằm chếch phía trái, đó là một góc tù mù khói,
nhưng đó là một chỗ ấm áp nhất. Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong
truyện cổ tích quá trời.
Bây giờ gần hai mươi năm rồi, tóc đã trắng những sợi già, chuyện
tình đó vẫn chưa đi tới đâu, chiều nay lại, thay vì lòn tay qua lổ vách mở cái
móc khoá quen thuộc ra, dì Thu Lý tự nhiên giữ lễ, đứng chờ ngoài cửa. Thằng
Lụm về trước, thấy dì, nó cười, hỏi "Ủa, sao Út không vô ?". Dì bảo,
"Vô gì, nhà người ta mà". Thằng Lụm nhìn dì lom lom, nó thấy dì bữa
nay lạ quá, không biết có phải tại rụng mấy cái răng không. Nhưng lúc đó đã
nghe tiếng đá banh dội binh binh đằng xóm, nó rảnh đâu mà thắc mắc, vọt đi mất.
Cậu Tư Nhớ qua khỏi lùm nhãn lồng, làm như không thấy dì Thu Lý, vạch cái cửa
đi tuốt vô nhà. Cậu Tư Nhớ ra ngoài giàn ôm củi vô, rồi chổng mông thổi lửa nấu
ấm nước, khuôn mặt cậu tỉnh rụi. Nước sôi, cậu đi rửa cái bình mẻ vòi, châm
trà. Cậu chống rèm cửa sau lên, lau bộ ván ngựa đầy dấu chân gà, quét cái nhà
vương vãi rác, rồi ngồi uống trà. Cái vạt áo màu bông cà của dì Thu Lý vẫn phơ
phất bên ngoài cửa. Muỗi kêu o e xà quần bên lổ tai, ờ, giờ này muỗi bắt đầu
bay khỏi đám lá đi kiếm hơi người. Ngoài sân, chắc muỗi cũng nhiều…
Cậu Tư hơi trù trừ giây lát rồi đứng lên, ra cửa trước nói trổng
không :
- Sao bữa nay mắc gì mà không vô nhà ? Ngoài này muỗi cắn chết.
Dì thở ra, cứ tưởng là thằng chả không mời. Dì cố nén cười,
nghiêm mặt bước vào, đứng lừng khừng khách sáo như khách lạ.
Cậu Tư coi bộ hơi bực:
- Sao không ngồi đi ? Coi chừng làm nhăn bộ ván tui nghen.
Nói rồi, cậu đi gom mớ vỏ dừa khô vô nhen mẻ ung. Cậu ngồi thổi
hoài cho đến khi lửa bùng lên, cậu lại vùi cho tắt. Rồi hì hụi chỗ này, hì hụi
chỗ kia, không làm gì cũng lăng xăng, sực nhớ ra, cậu lại đằng chái bếp lấy
khúc ổi vừa được phơi dốt nắng, ngồi đẽo ngỏng cối, ngày mai, đằng nhà Tư Biểu
có đám giỗ, thể nào cũng xài. Cậu sợ rảnh tay rồi phải mở lời nói với nhau. Mà,
cậu thì không biết nói gì hết, không muốn nói gì hết.
Bởi mỗi khi gặp nhau, lòng người này chỉ toàn những oán giận,
những nỗi đau, còn người kia tràn đầy niềm yêu thương vô vọng mà họ đã không
còn ở tuổi hai, ba mươi để nói ra tâm trạng ấy bằng lời. Nên chiều nay lặng lẽ
lạ thường, có thể nghe rõ ràng tiếng muỗi kêu, tiếng xì xì mọng nước của thanh
củi ướt cháy trong mẻ, tiếng lưỡi mác vót khứa ngọt vào cây ổi, tiếng trái dừa
chuột khoét rụng đùng xuống hào ranh…
Dì Thu Lý lên tiếng:
- Anh Tư à… Bữa nay em mới nhổ ba cái răng.
- …
- Tính luôn hổm rày là bảy cái rồi đó. Thấy vậy mà già rồi…
Cậu Tư Nhớ vẫn nín thinh, hì hụi gọt đẻo, thấy mình cũng thật
nhẫn tâm. Kinh kệ mỗi ngày từ chùa Phấn vọng sang cùng tấm lòng chân thật của
dì Út vẫn không làm cậu nguôi đi oán hận. Cậu mà đáp tình dì chẳng phải là đã
tha thứ cho nhà đó sao, ngu sao, đâu có dễ vậy.
Dì Thu Lý ngồi trên tấm ván đã cong vênh, nghe lòng trống không
đã sạch sành sanh những niềm hy vọng cuối. Không biết làm sao cho hết bối rối,
dì ngó quanh quất cho giống người xa lạ chơi. Dì nhìn chiếc quai nón bằng vải
nhung đã phai màu treo ở đầu giường, cái áo bà ba màu bông cà bọc trong bọc
nilong treo trên vách cùng với chiếc cặp đỏ bằng nỉ (Hôm chị Thu Lê theo chồng,
nó chỉ vừa đủ để ba bộ đồ với cái khăn tắm, dì Út lén má xếp dùm).
Dì nói bằng một tiếng nhói:
- Anh nhớ chị Ba em!?
Lần này cậu Tư Nhớ đổ quạo, vặt lại:
- Bộ tui trâu bò sao mà không biết nhớ? Biết còn hỏi!
Ờ, thì biết. Hơn hai mươi năm rồi cậu Tư với dì Thu Lê đã không
gặp lại nhau. Mỗi bận lễ Tết, hay đằng nhà bà Hai tổ chức giỗ ông Hai, cậu đứng
xa xa dòm ngó, nghe nhộn nhạo từng khúc ruột. Hỏng biết cổ có về không ta ?
Thằng Lụm hiểu lòng cậu, nó chạy đi coi, nó kể ở ngoài chợ người
ta về nhóc. Người nào người nấy đẹp đẹp không hà, tía. Nhưng trong đám người
đẹp đó không có người cậu thương, dì Ba thì không về, dì viết thơ gởi bà Hai
(lá thơ đó nhòe nước mắt) thưa rằng dì chắc chẳng bao giờ về quê nữa, quay lại
đó, rồi làm sao, mặt mũi nào để gặp một người. Dì viết rằng, má ơi, má đừng
buồn, chừng nào nhắm mắt xuôi tay, con sẽ về để nằm trên đất nhà mình.
Câu chuyện đó dì Thu Lý kể cho cậu Tư Nhớ nghe vào một ngày mưa
gió, cậu đội áo mưa lại chữ thập đỏ xã, xin được giữ một chân đạo tỳ trong đội
mai táng. Ai cũng hỏi sao tự nhiên đi làm cái nghề u ám vầy, cậu cười không
nói. Chỉ có một người biết, càng biết nhiều càng nghe lòng buồn nhiều.
Dì Ba Thu Lê bây giờ đã theo chồng sống ở nước ngoài, vò võ
không con, dì cay đắng, "trời phạt vậy". Dì hay gởi thư, tiền và hình
về nhà. Trong hình lúc nào cũng đeo nhiều đồ trang sức, mập mạp, đầy đặn, cười
thật nhiều nhưng đôi mắt lại buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước
mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào. Một người sống không quê hương, sống đầy
mặc cảm, dằn vặt, sống mà đau đáu hoài chuyện cũ thì biết níu đâu bây giờ ?
Chiều nay ngồi trong nhà cậu Tư Nhớ, dì Út lại nhớ chị mình. Dì
chợt nghe lòng quang quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp lại
nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ
như mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ, dù
bây giờ tóc xanh phai màu, gặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết.
Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc còn đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương
làm chi…
Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy.
Dì Sáu Thu Lý ngồi ở đó tới chạng vạng, không nói thêm gì nữa,
chỉ đau đáu ngắm cậu Tư, lòng tràn đầy thương yêu. Lúc về, dì mới lại gần, dạn
dĩ gở cây mác vót trong tay cậu ra, nắm ngay lấy bàn tay nóng rực ấy, định
cười, nhưng nhớ mấy cái răng cửa vừa nhổ nên thôi. Rồi dì bảo, ‘Mai mốt chế Ba
về, anh Tư à. Thiệt, mai mốt này...’
Khi qua cửa dì Út Thu Lý mới hay, con mắt rửa bằng khói đã nhoè
nước.
Rồi những cơn gió tháng bảy đưa tin vui đến từng mái nhà trong
xóm Rạch Chùa, người ta bần thần, vậy a? xa xứ biết bao lâu rồi, trôi dạt tận
nước ngoài, cuối cùng, người con gái đó cũng về thăm lại xóm Rạch. Cậu Tư cuống
quýt hỏi thằng Lụm, có đúng cổ không, mậy? Đúng hả, về rồi hả, về một mình hả?
Vậy a? Trời ơi! Gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những
tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng .
Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó
cho Tư Nhớ để trả cho cậu món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng
cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng
khái "Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy". Cả ba người quay
lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua
mất rồi..
Nguyễn Ngọc Tư.